Jensen Huang là một doanh nhân người Mỹ gốc Đài Loan, và hiện đang là CEO của NVIDIA, một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Huang nổi tiếng với phát triển và định hình hình ảnh của mình thông qua việc ăn mặc cá tính. Ông cũng nổi tiếng với tầm ảnh hưởng của mình trong ngành công nghiệp công nghệ, và đã được TIME xếp hạng trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Jensen Huang là ai?
Jensen Huang là tỷ phú, doanh nhân và là nhà đồng sáng lập NVIDIA, một ngôi sao sáng trong cơn sốt AI khi các mẫu chip đồ họa của thương hiệu này liên tục cháy hàng. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, giá trị vốn hoá của NVIDIA đã tăng gần gấp đôi lên 1 nghìn tỷ USD nhờ vào làn sóng AI. Sự tăng giá của vốn hoá đã giúp tài sản của Jensen Huang đạt mức 36 tỷ USD giúp ông trở thành người giàu thứ 34 trên thế giới.
Jensen Huang (tên đầy đủ: Jen-hsun Huang) sinh ngày 17/2/1963 tại Đài Bắc (Đài Loan). Gia đình ông từng sống tại Thái Lan và Đài Loan trước khi di cư đến Mỹ năm 1973. Ban đầu, khi vừa đến Mỹ, gia đình ông định cho Jensen Huang theo học tại một trường tư thục nhưng lại vô tình gửi ông đến Oneida Baptist Institute ở Kentucky, một trường giáo dưỡng khá khắc nghiệt. Theo chia sẻ của ông, tại đây, mỗi đứa trẻ sẽ luôn có một con dao trong người và khi đánh nhau chắc chắn sẽ có người bị thương.
Sự nghiệp của Jensen Huang
Năm 1992, Jensen Huang nhận bằng thạc sĩ kỹ thuật điện tại Đại học Stanford và đầu quân cho LSI Logic và AMD trong một thời gian ngắn, trước khi thành lập NVIDIA cùng với 2 người bạn của mình là Chris Malachowsky và Curtis Priem. Với số vốn ban đầu là 40 nghìn USD, vào thời điểm đó, cả 3 nhà sáng lập đều tin vào tầm nhìn rằng tương lai của thị trường sẽ là sự tăng trưởng của trò chơi điện tử.
Và may mắn cho họ, các nhà đầu tư từ quỹ Sequoia đều có chung tầm nhìn đó nên 20 triệu USD đã được rót vào NVIDIA để cả 3 nhà sáng lập hiện thực hóa tầm nhìn đó. Năm 1998, NVIDIA cho ra mắt sản phẩm đầu tiên của dòng GeForce mang tên GeForce 256.
Cùng năm đó, NVIDIA thực hiện IPO và nhận được đơn hàng trị giá 200 triệu USD gia công phần cứng cho Xbox từ Microsoft. 8 năm sau, NVIDIA cho ra mắt CUDA, kiến trúc hỗ trợ tính toán song song mở ra một thời kỳ đỉnh cao của việc xử lý nhiều dữ liệu cùng lúc từ đó tạo nền tảng cho lĩnh vực Machine Learning sau này của các AI hiện đại.
Trong cuộc phỏng vấn với Fortune năm 2017, Huang tiết lộ đã xăm bản phác thảo của logo Nvidia lên cánh tay từ khoảng 10 năm trước để kỷ niệm cột mốc cổ phiếu công ty lần đầu đạt 100 USD. Ông chia sẻ từng muốn mở rộng hình xăm nhưng “khóc như một em bé” vì quá đau. Ảnh: Reuters.
Đầu năm 2022, NVIDIA cho ra mắt H100, bộ chip đắt nhất thế giới vào thời điểm đó với sức mạnh vượt trội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, NVIDIA đã chọn sai thời điểm để ra mắt sản phẩm mới vì sự suy giảm của kinh tế. Và họ đã đúng, tuy có sức mạnh gần như top 1 thế giới nhưng H100 lại mang về doanh số không khả quan do các công ty phải thực hiện thắt lưng buộc bụng trong thời gian khó khăn. Nhưng đến cuối năm 2022, khi OpenAI cho ra mắt ChatGPT thì cuộc chơi lại thay đổi chóng mặt.
ChatGPT đã tạo ra một cuộc chơi hoàn toàn mới trong lĩnh vực máy học cũng như công nghệ, hoàng loạt công ty bắt đầu chạy đua trang bị chip H100 để bắt kịp cuộc chơi này kéo theo đó là hàng loạt các đơn hàng kéo về cho NVIDIA. Đến tận quý 1 năm 2023, cơn sốt AI vẫn không có dấu hiệu chững lại, nhờ đó, vốn hoá của NVIDIA tăng trưởng mạnh mẽ từ 750 tỷ USD lên 935 tỷ USD.