HỌC SINH DÙNG CHATGPT LÀM BÀI: GIÁO DỤC TOANG RỒI?

Bài báo của New York Magazine giật tít “Everyone Is Cheating Their Way Through College” (Tất cả sinh viên đang hack hệ thống đại học) khá giật gân nhưng có phần đúng.

HỌC SINH DÙNG CHATGPT LÀM BÀI: GIÁO DỤC TOANG RỒI?

Học đại học giờ như chơi game mà ai cũng có cheat code

Chungin “Roy” Lee là sinh viên ngành computer science tại Columbia University. Mùa thu vừa rồi, Roy bước chân vào Ivy League với tâm thế: để AI làm hết. Code bài tập nhập môn lập trình? Ném prompt vào ChatGPT, lấy output, submit. Viết luận? AI viết 80% nội dung, Roy chỉ thêm chút mắm muối cho đậm đà. “Tui chỉ bỏ 20% công sức, thêm vài câu cho giống văn phong của mình,” Roy kể.

Hài hước ở chỗ, Roy từng bị Harvard rút lại thư mời vì lẻn ra ngoài trong chuyến field trip hồi cấp 3. Sau một năm học community college, cậu ta dùng chính ChatGPT để viết bài luận cá nhân, biến hành trình lận đận của mình thành câu chuyện truyền cảm hứng về ước mơ khởi nghiệp. Kết quả là được nhận vào ĐH Columbia.

Nhưng vào rồi, Roy không thèm quan tâm GPA hay các môn core curriculum mà trường quảng cáo là “trí tuệ mở rộng” hay “thay đổi con người”. Với Roy, bài tập của trường khá ấm ớ (không phù hợp) và hoàn toàn hack được bằng AI. Khi được hỏi sao tốn công vào Ivy League để rồi outsource việc học cho bot, Roy tỉnh bơ: “Đây là nơi tốt nhất để tìm co-founder và vợ.”

Roy không chỉ dừng ở việc dùng AI để qua môn. Cuối kỳ đầu, cậu ta gặp Neel Shanmugam, một anh chàng năm ba ở trường kỹ thuật. Hai người brainstorming đủ thứ startup: app hẹn hò cho sinh viên Columbia, tool bán rượu, app ghi chú. Fail toàn tập. Nhưng rồi Roy nảy ra ý tưởng từ chính nỗi đau của mình: LeetCode.

Ai từng cày LeetCode để chuẩn bị phỏng vấn tech, biết nó khổ sở cỡ nào – 600 giờ làm bài tập thuật toán mà Roy gọi là “vô nghĩa” so với công việc thực tế. Thế là Roy và Neel xây Interview Coder, một tool giúp giấu AI trong các buổi phỏng vấn remote, cho phép trả lời “ăn gian” các câu hỏi LeetCode. Trang web của họ có banner to đùng: “F*CK LEETCODE”.

Roy còn up video lên YouTube, khoe cách dùng tool này để qua phỏng vấn intern Amazon (và cậu ta thực sự được offer, nhưng từ chối). Kết quả? Columbia gọi Roy vào phòng kỷ luật, chi nghỉ học một thời gian vì “quảng cáo công cụ gian lận”. Roy thấy nực cười, nhất là khi Columbia còn hợp tác với OpenAI, công ty mẹ của ChatGPT. “Tui cá không có đứa nào ở đây không xài AI để cheat,” Roy nói. Với cậu, chuyện này chẳng có gì sai – chỉ là thế giới đang thay đổi, và sẽ sớm có ngày dùng AI làm bài tập không còn bị coi là gian lận.

Câu chuyện của Roy không phải ngoại lệ. Một khảo sát năm 2023 cho thấy 90% sinh viên dùng ChatGPT để làm bài tập. Lượng truy cập ChatGPT tăng đều cho đến khi kỳ nghỉ hè bắt đầu – và giảm đúng mùa hè năm 2024, chứng tỏ sinh viên là khách hàng chính. Giáo viên giờ đây phải đối mặt với những bài luận đầy câu chữ robot, tuy đúng ngữ pháp nhưng thiếu chất người.

Không chỉ ChatGPT, mà Google Gemini, Claude, hay Microsoft Copilot cũng tham gia cuộc chơi. Sinh viên dùng AI để ghi chú trong lớp, tạo study guide, tóm tắt sách, viết dàn ý, thậm chí draft cả luận văn. Dân STEM thì đẩy AI vào phân tích dữ liệu, debug code, hay nghiên cứu. Một bạn ở Utah còn đăng TikTok caption: “Đại học giờ chỉ là giỏi xài ChatGPT đến đâu thôi,” kèm video copy-paste cả chương sách vào ChatGPT.

Alex, một sinh viên năm nhất kể hồi cấp ba, cậu phát hiện ChatGPT khi đang nai lưng cày bài luận tiếng Anh. “Tui ném prompt vào, bảo nó viết essay 500 từ về climate change. 5 phút sau, tui có bài hoàn chỉnh, ngon hơn cả tui viết cả tuần.” Alex dùng AI cho mọi môn: từ lịch sử, vật lý, đến văn học. Kết quả là điểm cao chót vót, mà thời gian rảnh thì lướt TikTok. Lên đại học, Alex vẫn giữ thói quen này. “Lớp tui, đứa nào cũng mở ChatGPT trong giờ. Giáo viên có biết đâu.” Nhưng Alex cũng lo: “Tui sợ mình lệ thuộc quá. Giờ không có AI, chắc tui không biết viết essay từ đầu.”

Giáo viên thì đang cố chống lại cơn bão AI. Một số quay về dùng Blue Book hoặc thi vấn đáp. Tim, giảng viên ở một trường đại học kể: “Tui thử ChatGPT lần đầu và hoảng. Nó viết luận nhanh hơn sinh viên, còn đúng chủ đề. Thế là tui bỏ luôn bài luận, chuyển sang thi nói.” Nhưng không phải ai cũng làm được. Một giáo sư triết học ở Mỹ từng bắt quả tang sinh viên dùng AI để viết bài giới thiệu bản thân – một bài mà lẽ ra phải siêu cá nhân. Mùi AI bốc lên trong các bài luận có các cụm từ như “multifaceted narrative” lặp đi lặp lại. Thầy hỏi sinh viên: “Em giải thích từ ‘multifaceted’ đi.” Bạn đó ấp úng, không trả lời nổi.

Gian lận không phải chuyện mới. Trước ChatGPT, sinh viên đã có Chegg, Course Hero – những nền tảng quảng cáo là “thư viện online” nhưng thực chất là công cụ cheat. Chegg tính phí 15.95 USD/tháng, hứa trả lời bài tập trong 30 phút, nhờ đội ngũ “chuyên gia” ở Ấn Độ. Khi ChatGPT ra mắt, sinh viên hào hứng đón nhận một công cụ nhanh hơn, mạnh hơn. Nhưng giáo viên thì bối rối. Cấm hoàn toàn AI? Không khả thi. Thế là phần lớn để giáo sư tự quyết định: có người cho phép dùng AI nếu trích dẫn nguồn, có người chỉ cho phép dùng để brainstorm, có người yêu cầu nộp cả lịch sử chat với AI. Nhưng sinh viên thường coi đó là “gợi ý”, không phải luật.

Vấn đề là, khi AI làm hết, sinh viên học được gì? Một giảng viên ở Đại học Chico lo rằng: “Sẽ có cả thế hệ ra trường có bằng cấp đang hoàng nhưng mù chữ – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Họ không biết gì về văn hóa, lịch sử, hay chính bản thân mình.” Nghiên cứu gần đây cho thấy dùng AI quá nhiều làm suy giảm kỹ năng tư duy phản biện, trí nhớ, và sáng tạo, đặc biệt ở người trẻ. Một sinh viên khoe: “Em dùng ChatGPT để code bài tập mạng máy tính. Nhanh vãi, nhưng tuần trước thầy hỏi về logic code, em đứng hình. Em nhận ra chỉ biết copy-paste, không hiểu gì.”

Giáo viên cũng không dễ phát hiện AI. Nhiều người nghĩ họ “bắt bài” bài AI nhờ văn phong đều đều nhàm chán, hoặc các từ như “context” xuất hiện nhiều bất thường. Nhưng nghiên cứu năm 2024 cho thấy giáo viên chỉ phát hiện được 3% bài 100% do AI viết. Công cụ phát hiện AI như Turnitin thì hiệu quả không đồng đều, dễ báo sai với sinh viên không nói tiếng Anh bản ngữ hoặc neurodivergent.

Bỏ một đoạn từ Kinh Thánh vào ZeroGPT, nó báo 93% là AI. Trong khi bài của sinh viên, rõ ràng dùng AI để viết dàn ý, chỉ bị báo 11%. Sinh viên cũng có cách lách: viết lại bài AI theo giọng mình, thêm lỗi typo, hoặc “rửa” qua nhiều AI khác để giảm tỷ lệ phát hiện. Một bạn trên TikTok còn khoe prompt: “Viết như sinh viên năm nhất, hơi ngu ngu một chút.”

Giáo viên giờ gần như bất lực. Một TA ở Đại học Iowa kể việc chấm bài luận về jazz New Orleans, nhưng nhiều bài nhắc đến Elvis Presley – người sinh năm 1935, chẳng liên quan gì đến giai đoạn 1890-1920. Anh bảo sinh viên: “Nếu cheat, ít nhất cheat cho khéo.” Nhưng đa số không quan tâm. Cuối kỳ, anh ước tính 50% lớp dùng AI, nhưng không thể làm gì vì giáo sư chủ nhiệm bảo “không đủ bằng chứng”. Anh chấm điểm dựa trên “nỗ lực giả định” – tức là giả vờ bài đó do sinh viên viết. Kết quả là anh bỏ học tiến sĩ vì mất niềm tin vào giáo dục.

Tương lai sẽ ra sao? Một số người như Roy thấy AI là bước phát triển tự nhiên. Sau khi bị Columbia đình chỉ, Roy và Neel ra mắt Cluely – tool quét màn hình và âm thanh để đưa ra gợi ý AI theo thời gian thực. Họ gọi nó là “bạn không bao giờ phải nghĩ một mình”. Roy nhắm đến kỳ thi LSAT, GRE, và các bài tập đại học. “Chúng tôi sẽ giúp bạn cheat mọi thứ,” cậu ta nói. Trong khi đó, giáo viên chỉ biết thở dài: “Tui dạy văn để sinh viên hiểu giá trị của tư duy, nhưng giờ họ chỉ muốn điểm cao và tiết kiệm thời gian. Tui không biết mình đang dạy cái gì nữa.” 

Bài của Hoàng Dũng AI.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *